Ghi nghành ghề: có lợi cho DN ?

Quy định này này sẽ giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (9/9), các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về nhiều nội dung quan trọng của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quyền tự do kinh doanh được thể hiện rõ trong Hiến pháp. Do đó, cách dùng từ và nội dung quy định trong Luật cần thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp, cụ thể, tránh gây hiểu sai.

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận, khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiên hà không cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dự án Luật quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của dự án Luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định về trách nhiệm phối hợp, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất, cập nhật và công khai về hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký giữa các cơ quan có thẩm quyền, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho các bên có liên quan theo dõi và giám sát hoạt động doanh nghiệp.

Việc quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được sửa đổi, bổ sung tương ứng. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp đã được xây dựng và có thể truy cập qua mạng thông tin điện tử là một bước để công khai, minh bạch hơn về hoạt động của doanh nghiệp.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định trên. Đại biểu Huỳnh Thành đánh giá cao việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi quan tâm hơn khâu hậu kiểm, đồng thời nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm để tránh tình trạng thông thoáng trong đăng ký kinh doanh nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát.

Quy định chặt cơ chế quản trị nội bộ của DNNN

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến đề nghị thống nhất khái niệm về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước, dù là vốn Nhà nước chi phối, thì gọi là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn Nhà nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng sử dụng thống nhất thuật ngữ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để phân biệt với doanh nghiệp chỉ có một phần vốn góp thuộc sở hữu do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Trong dự án Luật doanh nghiệp có một chương quy định về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước áp dụng quy định tại các chương, điều khác của Luật doanh nghiệp. Các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định này

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các doanh nghiệp này trong Luật doanh nghiệp. Việc đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... sẽ được quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Về lương trong nhóm quản lý Công ty TNHH 100% vốn Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh tiêu chí hiệu quả kinh doanh, khả năng quản trị doanh nghiệp để trả lương để tránh tình trạng hiệu quả sản xuất khác nhau nhưng lương cào bằng. Theo đại biểu, chủ sở hữu nên quyết định lương của bộ máy quản lý doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng quy định “đại diện chủ sở hữu Nhà nước” và nguyên tắc trả lương là chưa rõ nên cần nghiên cứu, thể hiện cụ thể hơn trong Luật./.